Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng năm 2021 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng quan, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 8 tháng qua đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nhiều năm gần đây, Hàn Quốc luôn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ hai và Singapore đứng ở các vị trí tiếp theo.

Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, thứ hạng đã có sự thay đổi. Singapore “soán ngôi” của Hàn Quốc, vững ở vị trí thứ nhất. Năm 2020, Singapore đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, con số là trên 6,2 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Về địa bàn thu hút vốn FDI, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, trong đó có dự án điện lên tới 3,1 tỷ USD.

Đặc biệt, trong bối cảnh Tp.HCM là “điểm nóng” của đại dịch Covid-19, thành phố vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút FDI. Tp.HCM đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; thành phố dẫn đầu cả nước về số dự án mới khi chiếm tới 34%.

Đứng vị trí thứ 3 là Bình Dương, với gần 1,7 tỷ USD vốn ngoại “rót” vào địa phương. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.

Dòng vốn FDI chảy vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lượng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất 4 năm qua. Dù vẫn giữ vị trí thứ 3 nhưng ngành bất động sản đã không có các dự án mới quy mô lớn đổ vào như các năm trước.

Theo đó, một trong những nguyên nhân khách quan làm giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần là do dịch Covid-19 tại các một số quốc gia đối tác vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển. Tuy nhiên, theo đánh giá, vốn FDI vào bất động sản giảm trong thời gian vừa qua chỉ là tạm thời. Thực tế vẫn có những phân khúc duy trì được sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn